QUẢNG CÁO RƯỢU TRÁ HÌNH DƯỚI DẠNG MV ÂM NHẠC

Tháng 6/ 2013, ca sỹ Hồ Ngọc Hà thực hiện một MV âm nhạc đầu tư kĩ lưỡng về âm thanh, hình ảnh tuy nhiên ngay sau khi ra mắt MV, Hồ Ngọc Hà và ekip vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Lý do vì trong MV xuất hiện một số cảnh quay quảng cáo rượu cận rõ nhãn hiệu. Đặc biệt MV này thể hiện bài hát “Cảm ơn cha” của nhạc sỹ Hồng Thuận với ca từ da diết tình cảm, mang ý nghĩa thiêng liêng về tình phụ tử nhưng bị cố ý đan cài vào vài chi tiết món quà tặng cha là những chai rượu ngoại, cụ thể là Gold Label của hãng Johnnie Walker và Singleton 12.

MV âm nhạc trở thành một clip quảng cáo khiến đa số người xem cảm thấy sự đối lập giữa bài hát nhẹ nhàng và cách thức quảng cáo đồ uống có cồn. Đối lập đến mức phản cảm, đồng ý rằng văn hoá tặng quà rượu Tây rất sang trọng và lịch sự, tuy nhiên trong trường hợp này là tặng rượu để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cha thì không nên khuyến khích quảng bá, nhất là dưới dạng một MV âm nhạc.

camoncha

Có thể sự kết hợp giữa một MV và một quảng cáo sẽ là “một công đôi việc” và tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ. Nhưng quan trọng là nội dung MV và cách khai thác vấn đề để nhấn mạnh hình ảnh cần truyền thông và nổi bật thương hiệu của hãng rượu có thực sự phù hợp với nhau hay không? Tặng rượu cho cha có phải là một hình ảnh gây thiện cảm? Ai cũng biết đồ uống có cồn không tốt cho sức khoẻ, vậy tại sao còn tặng rượu cho cha khi tuổi của đã cao? Đặt bên cạnh giai điệu, tiết tấu và lời ca với hình ảnh những chai rượu là sự rời rạc, không ăn khớp. Chưa kể đến cuối MV còn xuất hiện những dòng chữ chạy với một câu hỏi khơi gợi tò mò: “Bạn có muốn một món quà ý nghĩa tặng cho cha của mình?” mặc dù người xem đều ngầm hiểu qua MV món quà được khuyên tặng ở đây là một chai rượu, đoạn kết của MV còn dẫn dắt giới thiệu thêm về Gala Nhạc Việt quy tụ nhiều ngôi sao âm nhạc được tài trợ bởi hãng rượu đó. Nếu những người làm PR nghĩ việc dùng sự cảm động từ tình cảm gia đình để chen vào vài cảnh quảng cáo rượu nặng độ thì bị nhận những phản ứng trái chiều, thậm chí gay gắt cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì văn hoá Phương Đông coi trọng tình cảm sẽ khó chấp nhận sự liên kết này. Bài viết trên vtc.vn có đưa ra một nhận định: “Việc làm của Hồ Ngọc Hà đã biến một hành động từ tình cảm thành phản cảm, thậm chí vô cảm!”

MV “Cám ơn cha” của nữ ca sỹ Hồ Ngọc Hà đã vi phạm khoản 15, điều 22, nghị định 94/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu: cấm tài trợ các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao; vi phạm điều 7 Luật quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2013: Cấm sử dụng các loại rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên trong quảng cáo; vi phạm nghị định 97 về việc quản lý các hoạt động Internet: cấm sử dụng Internet để quảng cáo cho các dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa bị cấm hoặc chưa được phép lưu hành trên thị trường. MV tuy đã bị xử phạt hành chính nhưng hậu quả gây ra lớn hơn là cố tình cổ vũ cho một trào lưu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, cụ thể rượu trong đời sống của người già. Vốn là một dự án xuất phát ý tưởng rất nhân văn, ngợi ca tình yêu thương của người cha và lòng biết ơn của những người con nhưng cuối cùng vì những hình ảnh quảng cáo hãng rượu rõ nét nên dự án âm nhạc đã biến thành một cuộc trao đổi lợi ích thương mại.

Qua đây hình ảnh ca sỹ Hồ Ngọc Hà trong mắt công chúng cũng bị đánh giá không mấy tích cực khi cô cùng ekip đã bất chấp hậu quả và chèn quảng cáo rượu vào hoạt động âm nhạc của mình. Đây cũng là một bài học cho những ngôi sao trước khi quyết định trở thành gương mặt đại diện hay đại sứ thương hiệu cho những nhãn hàng lớn. Quảng cáo nên đúng lúc đúng nơi trúng mục tiêu và đối tượng khách hàng thay vì nhắm mắt làm liều và để lại nhiều ác cảm và phải chịu sự chỉ trích “lợi dụng nghệ thuật nhằm kiếm tiền quảng cáo”.

Lê Nguyễn Nhật Linh – PR K30 A1

FB : https://www.facebook.com/LINHKOIKAWAII

Bình luận về bài viết này